Các doanh nghiệp cho biết việc thiếu điện khiến họ phải cho dừng nhà máy từ sáng đến tối, công nhân nghỉ việc và ảnh hưởng tiến độ đơn hàng phải giao.
Một công ty sản xuất hàng tiêu dùng có quy mô 2.000 công nhân tại Bắc Ninh cho biết đã nhận được thông báo cắt điện từ tuần trước (cắt 1-10 giờ, tùy ngày).
“Máy phát điện được kích hoạt nhưng chỉ đủ duy trì một số hoạt động cơ bản và khu văn phòng, không đảm bảo được sản xuất”, đại diện đơn vị này chia sẻ. Những hôm mất điện lâu, doanh nghiệp ông buộc thông báo cho công nhân nghỉ việc, làm bù ca vào ngày khác.
Không riêng công ty sản xuất tiêu dùng trên, nhiều đơn vị khác tại Khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh), hay Thăng Long (Hà Nội) những ngày qua đều buộc phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất khi nhận kế hoạch cắt giảm điện 24h trong các ngày 5-6/6, do thiếu nguồn của phía điện lực.
Một lãnh đạo trong Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh cho hay nhiều doanh nghiệp bức xúc khi phải cho lao động nghỉ làm hoặc đi luân phiên vì bị cắt điện khiến sản xuất ngưng trệ.
Tương tự, tại Bắc Giang những ngày qua, loạt doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Vân Trung cũng nhận thông báo tạm ngừng cấp điện đột xuất trong 24h (từ 7h30 sáng 3/6 đến 7h30 sáng 4/6).
Việc cắt điện luân phiên, vài tiếng hoặc cả ngày đã ảnh hưởng đáng kể tới sản xuất. Ông Hoàng Anh Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP) cho biết đã phải cho toàn bộ công nhân nghỉ việc sau khi nhận thông báo nhà máy bị mất điện lưới trong 6h.
“Một mẻ sản xuất chất phụ gia thường mất 18h mới cho ra sản phẩm. Nguyên liệu đang “nấu” ở thể nóng chảy, điện mất sẽ đông cứng lại. Chi phí sản xuất lại rất lớn, rủi ro này ai chịu?”, ông nói.
Một doanh nghiệp sản xuất, gia công có hai nhà máy tại Bắc Ninh cho hay đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì mất điện. “Thiếu điện khiến chúng tôi phải cho dừng nhà máy từ sáng đến tối, công nhân nghỉ việc và ảnh hưởng tiến độ đơn hàng phải giao”, người này chia sẻ.
Đại diện của một hiệp hội sản xuất nói đặc trưng nhà máy khi khởi động lại sẽ rất phức tạp, ảnh hưởng đến chất lượng sản xuất. “Khi cắt điện đột ngột, ai đền bù thiệt hại cho chúng tôi, không có cơ chế gì cả”, ông này nói.
Việc sử dụng máy phát điện với nhiều đơn vị, nhất là sản xuất công nghiệp cũng khó khả thi, bởi mỗi lần chạy động cơ tiêu hao lượng điện năng lớn (500-700 kV), công suất máy phát không đủ đáp ứng. Chưa kể việc đầu tư máy phát điện công suất lớn khá tốn kém.