Giá điện tăng có ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp?

Theo quyết định của Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, kể từ ngày 4/5/2023 giá điện bán lẻ bình quân tăng 3% (1.920 đồng/kWh) so với mức giá điện cũ. Việc giá điện tăng có ảnh hưởng quan trọng đến đời sống sinh hoạt của người dân cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, với mức tăng như hiện nay được đánh giá là mức tăng hợp lý và giá điện bán lẻ tại Việt Nam vẫn thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia trên thế giới (Trung Quốc là 2.780 đồng/kWh, Thái Lan là 3.273 đồng/kWh,…).

Theo bà Trịnh Thị Ngân – Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cho biết: “Với mức tăng giá 3% cũng chưa phải là nhiều để bù đắp được con số lỗ lớn của ngành điện. Doanh nghiệp, người dân phải tăng thêm chi phí nhưng vì mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia chúng ta nên cố gắng đồng hành cùng với ngành điện.” Cũng như ngành điện trong giai đoạn khó khăn của dịch COVID-19 vẫn đảm bảo dòng điện ổn định, an toàn và cũng không tăng giá để đồng hành sẻ chia khó khăn với người dân.

Giá điện tăng làm tăng chi phí sản xuất

Cũng giống như bất kỳ loại hàng hóa nào, tăng giá điện sẽ đều có ảnh hưởng tiêu cực đến đối tượng sử dụng.

Theo ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty Cơ khí Chính xác SKD Việt Nam, tăng giá điện là doanh nghiệp phải tăng thêm chi phí sản xuất. Dự tính mỗi tháng, SKD sẽ phải bỏ thêm 4-5 triệu đồng cho chi phí tiền điện. Trong bối cảnh lạm phát ở một số quốc gia, nhu cầu tiêu thụ giảm như hiện nay thì doanh nghiệp buộc phải tiết giảm chi phí để chia sẻ với ngành điện.

Theo số liệu thống kê từ năm 2022, EVN có tới 528.000 khách hàng sử dụng điện cho mục đích kinh doanh dịch vụ. Khi đó, nếu chi phí tiền điện mỗi tháng khách hàng phải trả vào khoảng 53 triệu đồng. Sau khi áp dụng mức giá mới, chi phí mỗi tháng sẽ tăng thêm 1.410.000 đồng/tháng.

Giải pháp nào cho doanh nghiệp khi giá điện tăng cao?

Không chỉ khi giá điện tăng người dân, doanh nghiệp mới có ý thức tiết kiệm, mà luôn có những giải pháp để giảm chi phí. Trong đó, thay đổi thói quen, nâng cao ý thức tiết kiệm năng lượng và tuyên truyền các lợi ích, tận dụng các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời để làm giảm áp lực lên ngành điện là rất quan trọng.

Sử dụng năng lượng mặt trời – nguồn năng lượng vô tận và miễn phí, giúp cho nhiều đối tượng có thể tiết kiệm điện và giảm chi phí hóa đơn tiền điện hàng tháng. Ngoài ra, việc sử dụng điện mặt trời giúp bạn tự chủ về nguồn điện mà không bị phụ thuộc quá nhiều vào nguồn điện lưới quốc gia.

Năng lượng mặt trời – nguồn năng lượng sạch, không thải ra các khí gây hại góp phần rất lớn trong việc bảo vệ môi trường, phát triển nền kinh tế xanh. Đây được coi là giải pháp hiệu quả trong bối cảnh giá điện ngày càng leo thang như hiện nay.